Menu

Tin tức

Tìm hiểu về mũi khoan từ trong gia công cơ khí

1. Định nghĩa về mũi khoan từ

Mũi khoan từ hay còn được biết đến với nhiều tên gọi khác nhau như mũi khoan rút lõi, mũi cắt, mũi khoét,...là một loại mũi dùng để khoan khoét lỗ trên bề mặt gia công kim loại. Mũi khoan từ chỉ khoét một vòng tròn lỗ bên ngoài lỗ và gần như giữ toàn bộ phôi bên trong.

Mũi khoan từ không phải là loại mũi khoan có từ tính, mà do cách sử dụng mũi khoan này thường dùng để lắp trên những máy khoan từ có đế máy là những cục nam châm từ tính dùng để định vị máy khi làm việc. Ngoài ra, mũi khoan từ cũng có thể sử dụng trên những máy khoan đứng, máy khoan cần nếu có đầu cặp thích hợp.

2. Cấu tạo của mũi khoan từ

Mũi khoan từ bao gồm phần cán và phần thân. Phần cán thông thường được thiết kế dạng Weldon để tăng độ chắc chắn khi kẹp. Phần lưỡi cắt được thiết kế có thể làm bằng vật liệu thép gió (HSS) hoặc vật liệu carbide, tuỳ theo điều kiện và yêu cầu gia công.

Khi sử dụng mũi khoan từ, chúng ta sẽ quan tâm đến 2 thông số chính: Đường kính gia công (d) và chiều dài làm việc (L)

Hai loại vật liệu phổ biến để làm ra mũi khoan từ là thép gió (HSS) hoặc hợp kim carbua wolfram (carbide). Phụ thuộc vào yêu cầu về điều kiện gia công, vật liệu gia công, giá thành,... chúng ta sẽ có sự lựa chọn phù hợp.

Mũi khoan từ thường có đường kính tối thiểu từ 12mm cho đến đường kính tối đa vào khoảng 150mm, trong đó dải đường kính được sử dụng phổ biến từ 12mm cho đến 40mm, với chiều sâu lỗ khoan tiêu chuẩn 35mm, 50mm, 75mm, 100mm, 150mm.

3. Ưu, nhược điểm khi sử dụng mũi khoan từ

* Ưu điểm

- Với đặc điểm chỉ cắt ở phía ngoài của lỗ, do đó khi khoan bằng mũi khoan từ sẽ loại bỏ ít vật liệu hơn so với các mũi khoan xoắn thông thường để cắt và loại bỏ hoàn toàn vật liệu của lỗ. Do đó về năng suất sử dụng mũi khoan từ có thể tăng từ 3-4 lần so với mũi khoan thông thường.

- Khi sử dụng mũi khoan xoắn tiêu chuẩn thông thường hoặc mũi khoét lỗ, ta phải thực hiện những bước như khoan mồi hoặc khoan bậc trước cho những lỗ có đường kính lớn, trong khi đó mũi khoan từ không cần những công đoạn đó.

- Với việc sử dụng kết hợp cùng với máy khoan từ, cùng với tính ổn định và tính di động hiệu quả cao của máy khoan từ, sẽ giúp cho chúng ta có thể kiểm soát được lực mô men xoắn cao được tạo ra bởi mũi, và chúng ta có thể sử dụng khoan di động ở bất kỳ vị trí nào, khoan trên cao, khoan ngang...

- Do kiểm soát được lực mô men xoắn khi khoan, khi sử dụng mũi khoan từ chúng ta có thể sẽ tạo ra được những lỗ với tính hoàn thiện cao hơn, dung sai tốt hơn, đặc biệt với những lỗ khoan đường kính lớn sẽ đạt được độ chính xác cao hơn so với khi sử dụng mũi khoan xoắn thông thường.

* Nhược điểm

- Cấu tạo của mũi khoan từ phức tạp hơn so với những mũi khoan xoắn tiêu chuẩn nên sẽ khó mài lại và có giá thành cao hơn.

- Mũi khoan từ sẽ dễ bị hỏng nếu định tâm, định vị vị trí và làm mát không tốt

- Phải khoan thủng vật liệu thì mới rút được lõi.

4. Ứng dụng của mũi khoan từ 

Với sự phát triển của các ngành công nghiệp hiện nay, cùng với những ưu điểm vượt trội về hiệu suất, tính di động trong quá trình làm việc, do đó mũi khoan từ được sử dụng rộng rãi ở nhiều ngành công nghiệp quan trọng như

- Khoan cầu đường sắt

- Khoan tấm, dầm thép kết cấu

- Khoan trong ngành công nghiệp đóng tàu thuỷ

- Khoan thép trong ngành dầu khí và hoá chất

- Sửa chữa đường ray tàu hoả, nhà dân dụng cao tầng, cầu đường, nhà thép tiền chế,...

------------------------------------------------------------------------------------

Nếu bạn có nhu cầu tìm hiểu, sử dụng và mua mũi khoan từ, hãy liên hệ với chúng tôi để nhận được những tư vấn và hỗ trợ tốt nhất.

CÔNG TY TNHH KỸ THUẬT HMD VIỆT NAM

Địa chỉ: 147/77, ngõ 147B phố Tân Mai, phường Tân Mai, quận Hoàng Mai, Hà Nội

Hotline: 0919 981 526

 

0919 981 526